Người Hà Nội ở Trường Sa  

Posted by Unknown

Bút ký
PHÙNG VĂN KHAI


Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình
Đảo có lính cát non thành Tổ quốc
Đảo nhỏ quá nói một câu là hết
Có gì đâu chỉ cát với chim thôi
Cát và chim và thêm nữa chúng tôi
Chúng tôi lên với áo quần ướt át
Với nắng nôi muối xát thân tàu
Đảo hiện ra thử thách bạc màu
Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc…
(Hữu Thỉnh - Trường ca biển)

Tôi đã nhiều lần đến Trường Sa. Lần nào cũng vẹn nguyên một cảm xúc bồn chồn khi chưa đặt chân lên các đảo nổi đảo chìm và day dứt khi trở về đất liền, ngay cả lúc bộn bề công việc nhất.
Ngày trước là những day dứt về khó khăn thiếu thốn, phần nhiều là những thiếu thốn về vật chất, cái mà bây giờ đã đến được đủ đầy. Ngay như yếu tố tinh thần cũng dần dần đầy đặn. Từ một lá thư nhà mong mỏi ngày trước dập dềnh vài tháng trời sóng gió mới tới tay bộ đội nay đã ti-vi, điện thoại, internet trực tuyến thoải mái 24 giờ. Ngày trước mòn mỏi chờ văn công văn nghệ nay mùa nào tháng nào, thậm chí hàng tuần đều có các đoàn đất liền ríu rít tay bắt mặt mừng với người trên đảo, cả chiến sĩ cả nhân dân, cả những bạn nhỏ lẫm chẫm mới lớp một lớp hai. Ngay như tiếng chuông chùa và bóng dáng vị sư đều đặn tuần rằm sóc vọng đọc kinh kệ nơi Trường Sa thực là gần gũi và kỳ diệu lắm.
Những điều kỳ diệu ở Trường Sa nhiều lắm. Người khắp các vùng quê góp mặt ở Trường Sa. Từ Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên… nơi đồng bằng Bắc bộ đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… các tỉnh miền Trung có mặt ở Trường Sa. Người Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh có mặt ở Trường Sa. Người ở Tây Bắc, Việt Bắc, Nam bộ, Tây Nguyên có mặt ở Trường Sa. Quả là rất đặc biệt.
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là những người Hà Nội ở Trường Sa.
Tôi nhớ cách đây 16 năm, năm 1997, khi mới về nhận công tác tại Ban biên tập Truyền hình Quân đội Nhân dân, tôi được gặp gỡ và làm việc với nhà báo Duy Thanh, anh quê ở Yên Thắng - Yên Mô - Ninh Bình, một người rất cá tính và luôn sôi nổi trong công việc. Anh mới đi Trường Sa về và đang hoàn tất bộ phim Người Hà Nội ở Trường Sa. Tôi đang ở thời kỳ học, việc nên không ngại ngần hỏi anh điều này điều khác. Trong những câu chuyện xúc động anh kể về những người lính, xúc động nhất là những người lính ở Trường Sa và đặc biệt xúc động là những người lính Hà Nội ở Trường Sa.
Tôi vẫn còn nhớ như in khi các anh sử dụng hình ảnh và tài liệu để tái hiện trận chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988. Trận chiến ấy, bộ đội ta hy sinh 64 người. Chiến sĩ ta đã chiến đấu đến người cuối cùng và trong số những liệt sĩ nằm xuống có một người Hà Nội. Người liệt sĩ ấy là Kiều Văn Lập, quê ở huyện Phúc Thọ. Những ngày tấm bé, ở các cấp học, tiểu học, đến phổ thông, Kiều Văn Lập đều học, rất giỏi nhất là các môn khoa học, tự nhiên. Kiều Văn Lập thi đỗ và học, Đại học, Hàng hải trong những năm tám mươi. Với sức học, và lý lịch chính trị tốt, Kiều Văn Lập được chọn đi học, chuyên ngành đóng tàu tại Ba Lan, một ao ước của những sinh viên giỏi thời đó nhưng anh đã tình nguyện viết đơn xin vào bộ đội khi hai đầu Tổ quốc lại một lần nữa vang lên tiếng súng. Trong những năm quân ngũ, Kiều Văn Lập luôn là một tấm gương với đồng chí đồng đội. Thời điểm kinh tế khi ấy rất khó khăn. Những người lính trong đó có những người lính giữ đảo đã phải chịu không ít thiệt thòi, gian khổ, hi sinh. Trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 là một trận chiến đấu sẽ còn được lịch sử nhắc tới và sự hi sinh anh dũng của 64 chiến sĩ quê rất nhiều vùng đất trong đó có Hà Nội chắc chắn sẽ mang một ý nghĩa rất thiêng liêng. Đất đai của chúng ta, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của chúng ta đã phải đổi bằng máu của biết bao anh hùng liệt sĩ.
Phim tài liệu Người Hà Nội ở Trường Sa của Truyền hình Quân đội Nhân dân khi ấy đã gây một tiếng vang lớn. Với riêng cá nhân tôi, một người con Hưng Yên, một chiến sĩ, một nhà báo ở tuổi 25 đã luôn ám ảnh và day dứt mỗi khi nghĩ tới Trường Sa.
Sau này, trong các chuyến công tác tới Trường Sa, tôi đều ghi nhận thật nhiều, từ phim ảnh, ghi chép, chụp lại tài liệu ở Trường Sa, về Trường Sa, nhưng cái cơ bản nhất, là cố gắng cảm nhận bằng trái tim mình mỗi nhịp đập, dù nhỏ nhất đang diễn ra trên quần đảo thiêng liêng.
Lúc nào cũng có người Hà Nội ở Trường Sa. Mồ hôi, xương máu của người Hà Nội đã thấm xuống đất chủ quyền nơi ngàn khơi sóng gió. Hiện nay đang có 101 người con Hà Nội làm nhiệm vụ tại các điểm đảo, nhà giàn Trường Sa. Tháng rồi năm, mưa rồi nắng, thời gian nát đá tan vàng những người con Hà Nội vẫn nối nhau đến với, ở lại, tham gia mọi công việc được phân công ở Trường Sa. Ở vị trí công tác nào, các chiến sĩ người Hà Nội đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chính trị viên đảo Đá Lớn - Nguyễn Văn Hợi quê ở Cầu Rẽ - Phú Xuyên đã có 13 năm công tác trên các đảo nổi đảo chìm ở Trường Sa. Nguyễn Văn Hợi cưới vợ được 15 ngày, khi ấy anh chưa đầy 20 tuổi đã lập tức nhận nhiệm vụ lên đường ra thẳng Trường Sa. Nguyễn Văn Hợi đi một mạch 3 năm mới về phép với gia đình. Những ngày ấy, thông tin còn hạn chế nên hẳn sự phấp phỏng, có cả sự hờn giận, trách móc cũng là chuyện bình thường. Đời người lính vốn thường biền biệt thế. Có người lính cưới vợ xong đi một mạch vào chiến trường lúc trở về chỉ là một tấm giấy báo tử đã ố vàng. Chiến tranh, có những mất mát không thể nói hết được bằng lời lẽ và giấy mực. Nguyễn Văn Hợi bây giờ đã là chính trị viên của đảo. Anh đã đảm đương nhiều vị trí công tác ở các đảo Nam Yết, Song Tử và bây giờ là đảo Đá Lớn. Thời gian đã rèn luyện người lính trưởng thành cùng với sự trưởng thành của quân đội ta mà trong ấy người Hà Nội ở đâu đều giữ được nền nếp kinh kỳ văn hiến.
Đảo Sơn Ca có khá nhiều cán bộ chiến sĩ người Hà Nội, cả thảy 10 người. Thái Văn Cường là một trong số ấy. Thái Văn Cường đã có trên 3 năm công tác tại các đảo Trường Sa Lớn và Sơn Ca. Cường có hai con nhỏ. Có những khi nhận thông tin con đau ốm nằm viện, Cường đều cố gắng tự mình vượt qua. Những đêm dằng dặc ấy đã rèn giũa bản lĩnh người lính, người cha người Hà Nội một cách lặng thầm. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Chính những nét thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội đã tạo nên bản lĩnh khác thường của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Không phải chỉ các anh lớn tuổi, ngay các binh nhất binh nhì người Hà Nội ở Trường Sa cũng luôn tự tin và tự hào về nhiệm vụ và vinh dự của mình, được là người chiến sĩ Trường Sa. Binh nhất khẩu đội trưởng Cao Văn Đồng quê Chương Mỹ mới tròn 20 tuổi đã rất chững chạc, tự tin khi nói về công việc. Là khẩu đội trưởng, Cao Văn Đồng luôn là tấm gương sáng trong khẩu đội. Gia đình Đồng có 5 anh chị em. Bố Đồng cũng là bộ đội. Đồng mong muốn nối nghiệp bố và mơ ước được ra Trường Sa của Đồng đã thành sự thật. Điều đó chính là nền tảng tốt để khẩu đội trưởng Cao Văn Đồng bước tiếp đường binh nghiệp của người cha.
Người Hà Nội ở Trường Sa cũng như các miền quê khác, luôn giản dị, hiền hòa, nhường nhịn trong sinh hoạt đời thường nhưng cũng vô cùng dũng cảm, cương quyết trong nhiệm vụ được giao. Qua các điểm đảo nổi, đảo chìm, chúng tôi đã gặp rất nhiều chiến sĩ người Hà Nội: Trần Trung Hiến đảo Sơn Ca quê Phúc Hòa - Ứng Hòa, luôn lễ phép, trang nghiêm; Đỗ Việt Hòa đảo Sơn Ca quê Hạ Bằng - Thạch Thất luôn tươi cười, hóm hỉnh; Nguyễn Văn Tạo đảo Phan Vinh quê Phú Châu - Ba Vì cùng 5 cán bộ chiến sĩ người Hà Nội trên đảo luôn là tấm gương nêu cao tinh thần đùm bọc, giúp đỡ không riêng gì người Hà Nội mà với các đồng đội quê mọi vùng miền trên đảo Phan Vinh… Còn rất nhiều những tấm gương người Hà Nội trên các đảo nổi, đảo chìm, giàn DK ngày đêm bám trụ luôn giữ những nét tài hoa của người Hà Nội, hòa trong bản sắc chung các vùng quê yêu dấu mọi miền của Tổ quốc.
Bác Hồ đã từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời Người đang vang trên đầu ngọn sóng, đang ngấm vào trái tim, khối óc của mỗi người chiến sĩ Trường Sa trong đó có những người Hà Nội. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives