Việt Nam trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới  

Posted by Unknown

ĐAM THY - BÍCH YẾN

Vịnh Hạ Long
Thông tin từ văn phòng Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, sau 26 năm tham gia, có nhiều đóng góp tích cực và 3 lần ứng cử vào các năm 1997, 2001, 2003, Việt Nam đã chính thức được bầu là một trong 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017) tại kỳ họp lần thứ 19 Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, với sự tham dự của đại diện 160 nước trên thế giới, có 93 phiếu ủng hộ Việt Nam.
Việt Nam nằm trong danh sách 11 quốc gia đạt được số phiếu bầu cao nhất và vượt 50% số phiếu yêu cầu. Lần bầu cử này lựa chọn 11 thành viên mới thì có đến 23 ứng viên, trong đó có Việt Nam.
Trong 4 năm qua, Việt Nam đã tham gia vào Hội đồng chấp hành UNESCO và năm nay tiếp tục trúng cử Ủy ban Di sản thế giới.
Cuộc bầu chọn thành viên mới của Ủy ban liên Chính phủ của Công ước 1972 lần này diễn ra trong khuôn khổ Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37. Ủy ban gồm 21 quốc gia thành viên với nhiệm kỳ 4 năm và cứ mỗi nửa nhiệm kỳ, có khoảng một nửa số thành viên của ủy ban được bầu chọn lại.
Ủy ban Di sản thế giới là một trong những ủy ban chuyên môn quan trọng nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), có quyền quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới việc công nhận các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; đánh giá tình trạng bảo tồn các Di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định các chủ trương, đường lối, cũng như định hướng phát triển của Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (gọi tắt là Công ước Di sản thế giới).
Việt Nam tham gia Công ước Di sản thế giới từ năm 1987, đến nay đã có 7 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên được UNESCO công nhận, gồm: 2 Di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long (năm 1994) và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (năm 2003). Năm Di sản văn hóa thế giới gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993); Phố cổ Hội An (năm 1999); Thánh địa Mỹ Sơn (năm 1999); Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (năm 2010); Thành nhà Hồ (năm 2011).
Sau khi trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, Việt Nam sẽ cùng tham gia việc đôn đốc thực hiện Công ước 1972 đối với 190 nước thành viên của công ước, tham gia xét duyệt các hồ sơ di sản được tất cả các nước đệ trình lên Ủy ban Di sản (khoảng 40-60 hồ sơ mỗi năm). Trách nhiệm của Việt Nam là phải phát huy được vị trí quan trọng của quốc gia trong Ủy ban Di sản, tiếng nói phải có trọng lượng và uy tín…
Cùng với Việt Nam, một số quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Croatia, Hàn Quốc, Philippines… cũng được bầu chọn là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới đợt này.
Năm nay (2013), quốc gia Jamaica - một đất nước chưa có một di sản nào được công nhận - đã được lựa chọn vào làm thành viên Ủy ban Di sản thế giới, đây là một thông lệ được đặt ra từ khi Ủy ban Di sản thế giới được thành lập.
Trong chiến lược hội nhập của Việt Nam, muốn phát huy hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới thì phải vào các tổ chức chuyên môn, trong đó có Ủy ban Di sản. Khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới thì trách nhiệm càng lớn hơn, nhất là trong việc phán xét và đóng góp ý kiến với các di sản của các quốc gia khác. Việt Nam đã có thuận lợi là có thể giới thiệu di sản của đất nước, nhưng đồng thời cũng phải thể hiện sự công bằng đối với các quốc gia khác. Việt Nam cũng phải thể hiện năng lực chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam trong Ủy ban Di sản khi phán quyết đối với các di sản của các quốc gia khác, ý kiến phải thuyết phục được các thành viên trong Ủy ban Di sản. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực trong vấn đề di sản ở nhiều lĩnh vực như khảo cổ, lịch sử, khoa học... để đáp ứng các yêu cầu thẩm định về di sản. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hội thảo, tập huấn quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ di sản. Đến nay, Việt Nam đã có một đội ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn di sản, đủ năng lực để đảm trách các nhiệm vụ chuyên môn khi trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới.
Có thể nói, đây là một thành công lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nhất l àtừ sau Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị(Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Ban chấp hàng Trung ương Đảng đã chỉ rất rõ các định hướng, trách nhiệm và mục tiêu trong việc hội nhập sâu rộng với thế giới).  

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives