CHÙM TRUYỆN RẤT NGẮN  

Posted by Unknown

TỪ KẾ TƯỜNG
KỶ NIỆM VỀ MỘT CON ĐƯỜNG

Tôi thường ngược xuôi trên QL1 ngày xưa gọi là QL4 từ Sài Gòn - Mỹ Tho. Nhớ ngày xưa đi học, nghỉ hè về quê tôi thích đi xe lửa rồi lại ngược xe lửa trở lên Sài Gòn để tựu trường. Xe lửa ngày xưa sơn màu đen, cũ sì như trong phim chạy xình xịch như đếm nhịp và chậm hơn xe đò. Nhưng tôi thích đi xe lửa để được... đếm những cây cột điện chạy lùi lại phía sau xe. Đếm một chập rồi quên và cho tới khi xe lửa không còn, đường ray bị xóa trong lau lách thời gian tôi vẫn không nhớ nổi Sài Gòn - Mỹ Tho có bao nhiêu cây cột điện. Bây giờ mỗi lần phóng xe máy trên tuyến đường này tôi ước được nhìn thấy chiếc xe lửa với những toa nối dài, đen sì chạy song hành băng qua những cánh đồng ngút ngàn và hàng cột điện kéo dài như bất tận. Nhưng làm sao được, mọi thứ đã đổi thay theo tốc độ phát triển QL4 vắng vẻ ngày xưa bây giờ nhà cửa san sát, cầu Tân An, cầu Bến Lức xây hiện đại, chạy hai làn xe xuôi ngược chứ không phải dừng lại để chờ qua cầu khi thấy tấm bảng hiệu màu trắng của người lính gác cầu xoay về bên này. Đi xe lửa thì không dừng, nhưng đi xe đò thì phải dừng lại khá lâu và đứa trẻ con như tôi tha hồ nghe những người ăn xin hát rong ca vọng cổ hay ca tân nhạc, nhìn những bà bán hột vịt lộn vùi trứng trong thúng trấu nóng hâm hấp xề tới bên cửa chào mời. Những hình ảnh đầy ắp kỷ niệm ấy sao cứ sống mãi trong tôi như một cuốn phim quay chậm. Có ai còn nhớ những hình ảnh kỷ niệm ấy giống như tôi?


BẾN PHÀ CŨ

Cách đây vài năm mỗi lần về quê vào dịp cuối tuần dù đi xe ô tô cơ quan hay phóng xe máy hầu như tôi thường bị kẹt phà Rạch Miễu. Có khi kẹt cả tiếng đồng hồ mới qua được. Bây giờ đã có cầu, cầu Rạch Miễu ở chếch về bên phải hướng đi Bình Đức, một cây cầu dây văng dài qua ba cù lao tuy không “hoành tráng” nhưng vẫn là niềm tự hào của Bến Tre quê tôi. Mỗi lần phóng xe qua cầu Rạch Miễu tôi đều nhìn xuống con sông Tiền nước chảy xiết, luôn cuộn sóng bên dưới và trong dòng hồi tưởng chẳng phải xa xưa gì lắm, tôi lại nhớ bến phà Rạch Miễu cũ. Bên này phà là Tiền Giang, bên kia phà là Bến Tre, cả hai bên tôi đều có nhiều kỷ niệm. Một lần vào dịp Tết, hai cô bạn gái muốn về quê tôi chơi, lúc đó tôi đang ở quê chuẩn bị tảo mộ ông bà vì nhà không có ai. Mai và Vy từ Sài Gòn đã rất nhiệt tình đi xe đò xuống Mỹ Tho, qua phà Rạch Miễu, tôi đợi sẵn bên này đưa hai cô bạn về nhà. Mai người Tây Ninh, Vy người Hải Dương, một giọng Nam, một giọng Bắc của hai cô gái cứ làm nhà tôi rộn lên trong niềm vui có khách xa ghé chơi. Má tôi rất hiếu khách, bữa cơm những ngày cận Tết vẫn chỉ có hai mẹ con, giờ có thêm hai cô bạn gái nên rất vui, ấm cúng như một gia đình thực thụ. Buổi sáng, Mai và Vy chia nhau mỗi người một cây chổi quét nhà, rồi quét vườn từ trước tới sau. Quét cả buổi sáng xong 
mới chở nhau đi uống cà phê. Nhưng cả hai vội về lại Sài Gòn để kịp về quê ăn Tết. Mấy cái Tết rồi không thấy hai cô về chơi, líu lo chuyện trò với bà nữa, mới đây má tôi nhắc sao lâu quá không thấy hai cô gì đó về chơi? Tôi cười buồn không dám trả lời. Bởi vì Vy đã có chồng, còn Mai mới đi Mỹ vài tháng nay, cũng theo chồng. Mùa thu nào vườn nhà tôi cũng đầy lá vàng, nhưng có một mùa lá tôi nhớ mãi vì ở hai đầu có hai cô gái vừa quét lá rụng vừa nói cười như mới hôm qua.


QUỲNH HƯƠNG NỞ ĐÊM TRĂNG

Dạo ấy Hà thuê căn phòng trên lầu 3, cũng là phòng cuối cùng của ngôi nhà mặt tiền đường Lê Văn Sỹ. Căn phòng nhỏ, có lẽ lạnh lẽo vào mùa mưa. Nhưng tôi thích mở cửa bước thẳng ra sân thượng có chiếc võng mắc sẵn trên giá và đu đưa ngắm khoảng trời đầy sao vào ban đêm và thích nhất là đêm vào mùa trăng tròn. Hà ở chung với bà chị, khi tôi tới, ở lại ban đêm thì bà chị tế nhị sang phòng của người bạn ngủ, để tôi và Hà được tự do. Đêm đó, sau khi tắm xong, Hà mặc bộ váy ngắn , tóc ướt quấn trong chiếc khăn trắng ra ngồi ở đầu võng ghé sát mặt tôi nói thật khẽ: Trăng đẹp quá, sao mình không hôn nhau? Tôi ghì mặt Hà xuống, chiếc khăn bung ra với mái tóc ướt của Hà rũ xuống mặt tôi. Hai bờ môi gắn chặt vào nhau. Tôi nghe mùi xà phòng thơm trên da thịt Hà, và mùi dầu gội quen thuộc trên tóc Hà phả vào mặt. Qua những nhánh tóc ướt, tôi nhìn thấy bóng trăng lơ lửng trên bầu trời đêm nhấp nháy cả ngàn ánh sao vây quanh. Rồi bất chợt lúc buông Hà ra tôi nghe có một mùi vị khác trong không gian, mùi hoa quỳnh vừa nở trong đêm, mùi hương thật tinh khiết. Tôi ngồi dậy đi tới bao lơn sân thượng và nhận ra mấy nhánh quỳnh Hà trồng trong cái chậu nhỏ ở góc tường. Hà tới đứng cạnh tôi cùng nhìn lên bầu trời vàng rực ánh trăng. Hoa quỳnh nở trong đêm trăng hình như thơm hơn những đêm bình thường? Tôi hỏi thế và Hà cười ngả đầu lên vai tôi. Bây giờ, những đêm trăng như thế, khi hoa quỳnh nở chắc Hà ngả đầu lên vai người khác. Bởi tôi và Hà chia tay nhiều năm rồi, điều rất lạ chiếc nhẫn “hẹn thề” tôi tặng Hà cô ấy vẫn còn giữ.


PHỐ HOÀI

Con đường nhỏ, hai hàng cây chạy dài lúc nào cũng xanh bóng mát và nhiều hàng quán sang trọng nhấp nháy ánh đèn khi chiều tối. Nhưng tôi chỉ thích ra đây vào sáng sớm cầm theo ổ bánh mì thịt ghé lại quán cà phê cóc của Hoài kêu ly cà phê sữa đá rồi vừa nhai bánh mì vừa nhìn theo những chiếc lá rơi từ trên cao xuống. Tôi nghĩ thế nào cũng có chiếc lá nào đó sẽ rơi trúng vào ly cà phê của tôi, nhưng chưa bao giờ. Một hôm Hoài hỏi, vừa hất mái tóc dài qua vai theo thói quen: Anh cứ ăn bánh mì hoài nóng chết, tìm phở hay bún bò quanh đây để đổi món cho đỡ ngán? Tôi cười: Vấn đề với tôi không phải ngán vì ăn mãi một món mà vì tôi lười đi loanh quanh tìm mấy ngôi quán trong khu vực này. Hoài chớp mắt: Và vì thế nên anh cứ tới thẳng quán em cho tiện? Tôi không trả lời Hoài, chỉ lặng lẽ quậy chiếc muỗng kêu lanh canh trong ly rồi uống một ngụm cà phê. Hoài cũng loay hoay pha cà phê cho khách. Một hôm tôi tới quán không thấy Hoài, cô gái trẻ, dáng cao, mái tóc dài xõa vai, quần jean đen, áo thun xanh ngắn tay, gương mặt xinh xắn, đôi mắt cứ nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên biến mất. Người đàn bà luống tuổi thay Hoài bán cà phê nói giọng Huế giống Hoài không hỏi tôi uống gì mà mang ly cà phê sữa đá ra đặt trước mặt tôi nói: Em Hoài bảo chú thường uống cà phê sữa đá nên tôi không hỏi. Nhưng tôi thì rất muốn hỏi bà xem Hoài làm gì mà không thấy ra quán, rồi cứ ngại. Cả tuần lễ như vậy không thấy Hoài, tôi hỏi đại: Cô Hoài sao không thấy hả bác? Hoài lấy chồng rồi chú ạ. Hóa ra là vậy. Từ hôm đó tôi không ra quán cà phê nữa mà cứ loanh quanh con đường tìm một chỗ khác để khỏi ăn hoài món bánh mì thịt và ngồi dưới những chiếc lá rơi. Nhưng tôi cứ đi tìm mãi và cứ lang thang trên phố hoài mà chẳng biết đi tìm cái gì.


KHI CÒN Ở GÒ VẤP

Không biết bằng cách nào đó mà em có được số di động của tôi. Nửa đêm, em gọi:
- Chú biết ai gọi không vậy?
- Số lạ quá, chú không biết.
- Em là Ngọc, bạn của... Nhưng thôi, chú không biết em đâu, giới thiệu cũng vô ích.
- Vậy em đừng giới thiệu nữa. Tôi biết em là Ngọc, thế cũng đủ rồi. Em gọi tôi giữa khuya như thế này định nói chuyện gì?
Ngọc ngập ngừng:
- Em học bài khuya, buồn quá, sực nhớ tới chú nên gọi. Giờ này chú còn thức hả?
- Tôi làm việc khuya lắm.
- Em buồn quá chú ạ. Năm nay sợ em thi rớt. Vả lại bạn trai của em mới giận em nữa rồi.
Tôi cười:
- Sợ thi rớt thì ráng học, để thi đậu, còn bạn trai em giận em thì nói với tôi làm gì?
- Em nên làm lành trước hay đợi bạn trai em xin lỗi em, hả chú?
- Tôi không biết, vì tôi đâu phải là bạn trai của em?
Sau đó thì tôi biết Ngọc học, lớp 12 trường Lê Quý Đôn, thời điểm em gọi cho tôi là em sắp thi tốt nghiệp rồi chuẩn bị thi tuyển vào đại học,. Em hẹn tôi tới trường đón em mấy lần nhưng tôi không tới. Rồi một đêm cũng giữa khuya em lại gọi tôi để báo tin em và anh bạn trai nào đó đã chia tay, em bảo thế cũng tốt, để em có thời gian tập trung ôn thi, em sợ phải thi rớt lắm.
Kỳ thi năm đó Ngọc đậu tốt nghiệp và đậu luôn đại học,. Em rất vui báo tin cho tôi và có ý định tìm đến căn nhà ở Gò Vấp thăm tôi nhưng tôi bảo Ngọc rằng tôi sắp sửa dọn đi nơi khác rồi. Và cũng từ hôm đó tránh trả lời những cú gọi, hay nhắn tin của Ngọc giữa khuya vì tôi biết chẳng để làm gì. Rồi Ngọc sẽ hiểu ra tôi cũng sẽ không phải là bạn của Ngọc nên tốt nhất tránh một cuộc chia tay không cần thiết. Lúc đầu tôi còn áy náy trước tình cảm xốc nổi của một cô gái tuổi mới lớn như Ngọc, nhưng sau này tôi biết tôi đã đúng. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives