VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT NƯỚC NGOÀI  

Posted by Unknown

Tại điểm dừng xe buýt
Truyện ngắn
NAGUIB MAHFOUZ
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG (dịch)

Mây kéo tới đen sì như đêm đang xuống, sau đó mưa rào rơi. Gió lạnh có mùi ẩm ướt quét trên đường phố. Người trên phố bước nhanh chân, trừ một nhóm người tụ tập dưới nhà chờ xe buýt. Khung cảnh đường phố hầu như trở nên biếng nhác, trừ hình ảnh một người đàn ông đang chạy vội vã như một gã khùng từ một con đường phụ qua một con đường khác và biến mất. Theo sau anh ta là một nhóm người, có cả người trẻ, vừa chạy vừa hét: “Trộm... bắt lấy trộm!”. Tiếng la hét vang to rồi đột ngột mất hẳn, do mưa tiếp tục rơi. Đường phố lại vắng ngắt, trừ những người đang núp dưới nhà chờ mà một trong số đó đang chờ xe buýt, số khác nấp vì sợ bị ướt. Âm thanh của cuộc rượt đuổi lại vang lên ồn ào và họ đang chạy ở gần nhà chờ. Sau đó, đám truy đuổi hiện ra với cảnh những người đàn ông chộp được gã trộm và đám thanh niên đuổi theo la ó chí chóe. Ở giữa đường, gã trộm cố vụt thoát, do đó người ta tóm lấy gã, xô ngã và đấm đá gã. Bị đánh nên gã chống cự và vùng vẫy. Những con mắt của đám người dưới nhà chờ xe buýt dán chặt vào cảnh tượng đó.
“Đánh vậy thật là ác!”.
“Nó bị coi như tội phạm chớ không phải là kẻ chôm chỉa!”.
“Nhìn kìa, có một viên cảnh sát ở lối vào một tòa nhà đang đứng nhìn!”.
“Nhưng anh ta quay mặt đi chỗ khác!”.
Mưa to hơn và rơi không ngớt như những chuỗi sợi chỉ bạc. Đường phố vắng vẻ, trừ có cảnh đánh đấm và những người đang đứng dưới nhà chờ. Vì mệt nhừ nên những người đàn ông thôi đánh gã trộm và đứng vây quanh gã ta, thở hồng hộc, nói cái gì đó với gã. Sau đó, mặc cho trời mưa, họ nói gì đó to tiếng với nhau mà không ai có thể hiểu được. Quần áo họ bị dính chặt vào thân thể và họ tiếp tục sân sấn nói, chẳng màng là trời đang mưa. Cử chỉ của gã trộm cho thấy gã quyết liệt phản đối điều gì đó nhưng không ai tin gã. Gã vung tay như thể đang đọc diễn văn nhưng giọng gã bị mưa và khoảng cách át lấp mất. Rất có thể gã đang nói một bài nói chuyện và đám đàn ông đang lắng nghe gã. Những con mắt của đám người dưới nhà chờ xe buýt dán chặt vào họ.
“Sao không thấy viên cảnh sát cử động nhỉ?”.
“Cảnh này làm tôi nghĩ tới một cảnh phim đang quay”.
“Nhưng người ta đang đánh nhau thật!”.
“Họ đang thảo luận, đọc diễn văn dưới trời mưa!”.
Có cái gì đó bất thường thu hút sự chú ý của những người đang đứng dưới nhà chờ. Ở hướng quảng trường, có hai chiếc xe hơi chạy với tốc độ điên rồ. Chiếc phía trước lao vun vút, chiếc phía sau đuổi theo. Chiếc đi trước thắng gấp, trượt dài trên mặt đường, chiếc sau đâm sầm vào nó, tạo ra một tiếng ầm vang trời. Cả hai xe lật nhào, nổ và lập tức bốc cháy. Tiếng la thét, rên rỉ vang lên dưới mưa. Nhưng không ai vội chạy về phía vụ tai nạn, gã trộm vẫn không ngừng diễn thuyết và không ai trong số những người đứng quanh gã quay về phía xác hai chiếc xe đã bị phá hủy, chỉ cách họ vài mét. Họ không để tâm đến chúng cũng như không để tâm đến trời mưa. Những người đứng dưới nhà chờ thấy một người đầy máu me là một trong các nạn nhân của vụ tai nạn, từ dưới một trong hai chiếc xe chậm chạp bò ra. Cố lồm cồm đứng dậy nhưng anh ta lại bị té ập mặt xuống.
“Đúng là một thảm họa!”.
“Viên cảnh sát vẫn không nhúc nhích!”.
“Có trụ điện thoại gần đây mà!”.
Nhưng không ai chuyển dịch, vì sợ trời mưa. Mưa to khủng khiếp, có kèm theo sấm. Gã trộm sau khi diễn giải, tự tin đứng lặng nhìn những người nghe. Bỗng gã cởi tung quần áo của mình, cho đến khi gã hoàn toàn trở thành trần truồng. Gã vứt quần áo của mình vào xác hai chiếc xe, lúc này do trời mưa nên đã thôi bị cháy. Sau đó gã bước đi loanh quanh, như để khoe thân thể đang trần như nhộng. Gã bước tới hai bước rồi lùi hai bước và bắt đầu điệu nghệ nhảy nhót. Lúc này, những kẻ đuổi theo gã đánh nhịp bằng cách vỗ tay, trong khi những thanh niên thì khoác những cánh tay vào nhau, làm thành một vòng tròn quanh gã.
“Nếu không phải là cảnh trong phim thì đây là cảnh của những kẻ điên rồ!”.
“Không nghi ngờ gì, đây là cảnh đóng phim còn ông cảnh sát thì đang đợi để diễn”.
“Còn vụ tai nạn xe hơi thì sao?”.
“Đó là kỹ thuật siêu đẳng và cuối cùng, chúng ta sẽ thấy có đạo diễn đứng sau cửa sổ”.
Có ai đó mở cửa sổ của một tòa nhà đối diện với nhà chờ, gây ra một âm thanh làm mọi người chú ý. Mặc cho tiếng mưa và tiếng vỗ tay ồn ào, mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía đó. Một người đàn ông ăn mặc tử tế xuất hiện ở cửa sổ. Ông ta huýt sáo và ngay lập tức, một cửa sổ khác cũng của tòa nhà đó mở ra và một phụ nữ trang điểm kỹ, ăn vận lả lướt xuất hiện, đáp lại tiếng huýt sáo bằng một cái gật đầu. Cả hai biến mất khỏi tầm mắt của những người đứng dưới nhà chờ và một lát sau, họ cùng rời tòa nhà. Họ bước đi, tay khoác tay, chẳng để ý đến trời mưa. Họ đến đứng bên xác hai chiếc xe, nói gì đó với nhau và bắt đầu cởi quần áo của họ, cho đến khi họ hoàn toàn trần truồng. Người phụ nữ nằm xuống đất, đầu gối lên một tử thi đang úp mặt xuống. Người đàn ông quì xuống cạnh cô ta, dùng tay và môi vuốt ve, hôn hít. Sau đó, người đàn ông nằm lên trên cô ta và họ bắt đầu giao phối. Gã trộm, những người đàn ông và đám thanh niên vẫn đứng vòng tròn, vỗ tay và nhảy còn mưa thì vẫn rơi không ngớt.
“Một vụ scandal!”.
“Nếu là cảnh trong phim thì đây là cảnh một vụ scandal, còn nếu là cảnh trong thực tế thì đây là cảnh điên khùng!”.
“Viên cảnh sát đang châm một điếu thuốc lá”.
Trên phố lúc này xuất hiện một cảnh mới. Từ hướng nam, có một đoàn lạc đà, do một người đàn ông dẫn đầu, có nhiều phụ nữ và đàn ông Ả Rập du cư đi sau, đang tiến tới. Họ cắm trại cách vòng tròn nơi gã trộm đang nhảy nhót không bao xa. Họ buộc lạc đà vào tường các ngôi nhà, dựng trại. Sau đó tản ra, kẻ ngồi ăn, kẻ uống trà, hút thuốc, kẻ thì trò chuyện. Từ phía bắc, một đoàn xe buýt chở khách du lịch châu Âu đi tới. Họ dừng xe ở phía sau vòng tròn vây quanh gã trộm rồi hành khách là đàn ông, phụ nữ xuống xe, tản ra thành từng nhóm, hăm hở khám phá cảnh vật, mặc cho mưa và kẻ đã chết nằm đó, mặc cho ai nhảy múa và giao phối.
Sau đó, có rất đông công nhân xây dựng đi tới, theo sau họ là những chiếc xe tải chở xi măng, đá và dụng cụ xây dựng. Bằng một tốc độ khó tin, họ xây một ngôi mộ lộng lẫy. Cạnh ngôi mộ, họ lấy đá xây một cái ngai cao, rộng rồi lấy vải phủ lên, lấy hoa để trang trí. Tất cả đều diễn ra dưới mưa. Họ đi đến xác cái chiếc xe, kéo các thi thể đầu bị dẹp, chân tay bị cháy ra. Họ cũng kéo thi thể nằm úp mặt xuống đất ở phía dưới hai người đàn ông và phụ nữ đang giao phối ra. Họ xếp các thi thể nằm cạnh nhau lên trên ngai rồi hướng sự chú ý tới hai người đang giao phối và mang cả hai, lúc này vẫn đang dính nhau, đặt xuống mộ, đóng nắp mộ lại và lấp đất lên trên. Sau đó, họ cười nói với nhau những lời gì đó không rõ rồi lên xe, phóng đi với tốc độ của ánh chớp.
“Chúng ta đang nằm mơ sao?!”.
“Một giấc mơ hãi hùng. Chúng ta tốt nhất nên đi thôi!”.
“Không, chúng ta phải đợi”.
“Đợi gì?”.
“Đợi một kết thúc hạnh phúc”.
“Hạnh phúc à?”.
“Hoặc là chúng ta phải nói với ông chủ nhiệm phim là ông ta phải chịu trách nhiệm về thảm họa này”.
Trong khi họ đang nói chuyện thì có một người đàn ông mặc áo thẩm phán đến ngồi vắt chân chữ ngũ lên mộ. Không ai biết ông ta đến từ đâu: từ nhóm du khách châu Âu, từ đám Ả Rập du cư hay từ đám đang nhảy. Ông ta trải một tờ báo ra và đọc to như đang tuyên án. Không ai hiểu ông ta đang đọc gì vì lời ông ta bị chìm trong tiếng vỗ tay, trong tiếng ầm ì của đủ thứ tiếng và trong tiếng mưa. Nhưng những lời khó nghe, như đang tuyên án của ông ta không rơi vào vô vọng, bởi xung đột, bạo lực như sóng dữ đang lan ra khắp con phố. Trận chiến đã xảy ra giữa một số người trong đám người Ả Rập du cư còn gần đó, một số du khách châu Âu cũng đấm nhau. Một số người bắt đầu nhảy nhót và ca hát. Nhiều người tụ tập quanh mộ và cởi truồng để giao phối nhau. Gã trộm nhảy điên cuồng theo một điệu nhảy quái dị. Mọi thứ đã trở nên mãnh liệt và đi tới đỉnh điểm với cảnh giết chóc, nhảy nhót, chết, giao phối, sấm sét và mưa gió.
Một người đàn ông to tướng bước ra khỏi nhóm người đang đứng dưới nhà chờ. Ông ta để đầu trần, mặc quần tây, áo thun chui cổ đen, tay mang một chiếc kính viễn vọng. Ông ta gạt mạnh mọi người trong đám đông đang đứng dưới nhà chờ ra và bắt đầu giương kính để nhìn đường phố, rồi quay kính sang đủ mọi hướng, thì thào: “Không tồi... không tồi”.
Những con mắt của đám người ở nhà chờ dán vào ông ta.
“Có phải ông ta không?”.
“Đúng là ông ta. Ông ta là đạo diễn”.
Người đàn ông lại chỉ tay ra phố, thì thào: “Tiếp tục, đừng mắc lỗi, nếu không phải diễn lại từ đầu”.
Một người đàn ông hỏi: “Thưa ngài, ngài là...?”.
Nhưng ông ta cắt ngang câu hỏi của anh ta bằng một cử chỉ dứt khoát, kém thân thiện, làm anh ta phải nuốt phần câu hỏi còn lại và giữ im lặng. Nhưng một người khác lấy hết can đảm hỏi: “Anh có phải là đạo diễn không?”.
Người đàn ông không quay đầu về phía người hỏi mà vẫn tiếp tục chủ tâm quan sát một cái đầu người đang lăn về phía nhà chờ và đứng lại cách đó vài feet, máu tuôn ra ào ạt từ chỗ bị cắt. Mọi người ở nhà chờ kinh hãi la lên nhưng người đàn ông đang cầm kính viễn vọng vẫn nhìn chăm chăm vào cái đầu, thì thầm: “Diễn tốt lắm... diễn tốt lắm!”.
“Nhưng đây là máu, là một cái đầu thật!”, một người la lên.
Người đàn ông quay kính viễn vọng vào người đàn ông và người phụ nữ đang giao phối và mất kiên nhẫn thét: “Đổi tư thế, đừng để đơn điệu!”.
“Nhưng đây là một cái đầu thật!”, một người khác la lên. “Xin cho biết chuyện gì đang xảy ra đây”.
“Xin nói một tiếng để chúng tôi biết ông là ai và những người kia là ai”, một người nữa nói.
“Đâu có gì làm ông không nói được”, một ai đó van nài.
“Thưa ngài”, người thứ tư nói, “đừng để cho đầu óc chúng tôi bực bội”.
Nhưng người đàn ông với kính viễn vọng bỗng lùi lại, như thể muốn giấu mình sau những người đang đứng dưới nhà chờ. Vẻ kiêu ngạo của ông ta tan biến đi sau khi dò dẫm nhìn quanh, sự ương ngạnh cũng biến mất, như thể ông ta đã trở nên già nua, bị bệnh tật hủy hoại. Những người đứng dưới nhà chờ thấy một nhóm người có vẻ là công chức lảng vảng cách họ không xa, như chó đang khịt khịt ngửi cái gì đó. Người đàn ông với kính viễn vọng bỗng vụt bỏ chạy dưới mưa, một người trong nhóm có vẻ như là công chức đuổi theo và những kẻ còn lại trong nhóm cũng như bão lốc chạy theo sau. Tất cả bọn họ biến mất, để lại trên phố cảnh giết chóc, giao phối, nhảy nhót và mưa.
“Trời ơi! Sau rốt ông ta không phải là đạo diễn”.
“Vậy ông ta là ai?”.
“Có lẽ là một gã trộm”.
“Hay là một người tâm thần trốn viện?”.
“Hay ông ta và những kẻ đuổi theo đang thực hiện một cảnh trong phim?”.
“Những cảnh này là có thật, không phải đóng”.
“Nhưng nếu giả thuyết rằng người ta đóng phim cũng có phần chấp nhận được”.
“Không có điểm nào để nói là người ta đang đóng”.
“Vậy anh giải thích thế nào?”.
“Đây là cảnh thật, không đếm xỉa tới...”.
“Làm sao nó có thể xảy ra được?”.
“Nó đã xảy ra”.
“Chúng ta dù gì cũng phải đi thôi”.
“Chúng ta sẽ bị mời để cung cấp chứng cứ khi người ta điều tra”.
“Còn một ít hy vọng là...”.
Người đàn ông nói câu này đi tới chỗ viên cảnh sát và kêu to: “Trung sĩ...”.
Anh ta gọi tới bốn lần viên cảnh sát mới để ý tới. Viên cảnh sát đằng hắng và mắng, do đó anh ta ra vẻ khẩn khoản thưa: “Thưa trung sĩ, xin hãy...”.
Viên trung sĩ nhìn mưa, bực dọc, sau đó khoác áo mưa vội vã đi đến nhà chờ. Anh ta nghiêm nghị dò nhìn họ và hỏi: “Các ông có việc gì không?”.
“Anh không thấy những gì xảy ra trên phố sao?”.
Mắt không nhìn chỗ khác, anh ta nói: “Mọi người đã lên xe buýt, sao các ông còn ở đây? Để làm gì?”.
“Anh nhìn cái đầu người kia kìa”.
“Thẻ căn cước đâu?”.
Anh ta xem thẻ họ đưa và cười mỉa mai, thâm độc: “Các ông tụ tập ở đây để làm gì?”.
Họ nhìn nhau, muốn nói mình vô tội và một người trong số họ nói, “Không ai trong chúng tôi ở đây biết nhau”.
“Nói láo sẽ không giúp gì chúng mày”.
Anh ta lùi lại vài bước, chĩa súng về phía họ, xả đạn. Từng người một gục xuống đất. Thi thể họ nằm dài dưới nhà chờ, đầu lòi ra vỉa hè trong mưa.
(Dịch từ Naguib Mahfouz, The time and the place and other Stories, Doubleday, 1992)

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives