Chiếc khăn của miền sông nước…  

Posted by Unknown

TRẦN HOÀNG VY

Khắp vùng miền Tây sông nước Nam bộ, đi đâu, ở đâu người ta cũng thấy bóng dáng chiếc khăn rằn. Khăn vắt trên vai mẹ, khăn đội trên đầu các chị, các em. Khăn cột đầu, quấn ngang hông người lao động nghèo khó… Theo học, giả Vương Hồng Sển và các nhà nghiên cứu, chiếc khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer (khăn rằn của người Khmer còn gọi là khăn K’rama, ngoài hai màu đen trắng còn có nhiều màu sắc như nâu, đỏ, xanh, tím… khổ rộng hơn và hai đầu thường se rua…). Trong bước đường Nam tiến của dân tộc Việt và quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long (Khmer, Chăm, Kinh…), chiếc khăn rằn đã được chuyển thành thứ trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác. Nó thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Các lằn ngang dọc được coi là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2 m, rộng chừng 40 - 50 cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà rất đỗi bình dị, giản đơn. Được mọi người ưa chuộng, vì nó có nhiều công dụng. Chiếc khăn rằn đã có từ rất lâu rồi, cùng với sự hiện diện của người Việt, chiếc khăn được rút cho khổ gọn hơn, hai đầu không cần se rua, thanh niên nam nữ ưa sử dụng khăn hai màu trắng đen hoặc xanh đậm, các chị, các mẹ trung niên trở lên thường thích màu đỏ (cổ trầu), vì tiện cho việc ăn… trầu (bọc, cột cau trầu, vôi…) và thích hợp lau miệng khi dính nước cốt trầu! Có lẽ vì vậy mà ca dao có câu “Khăn thương nhớ ai?/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai…”.
Trong chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, du kích thường dùng khăn rằn hai màu trắng đen, vì tiện lợi: vừa lau mồ hôi, đội đầu che nắng, trùm chống muỗi vắt, băng cột vết thương, thậm chí dùng… trói tay giặc và là vũ khí giết giặc! Cuộc đồng khởi ở Bến Tre vào đầu năm 1960, các mẹ, các chị được mệnh danh là “Đội quân tóc dài” cũng đội khăn rằn mà xuống đường biểu tình, chống giặc càn bố. Do đó mà có câu “Thấy bóng khăn rằn, anh biết là em đó/ Màu khăn Đồng Khởi của phụ nữ Bến Tre”. Tiễn đưa cha, chồng, anh, em lên đường tòng quân diệt giặc ở các địa phương miền Tây Nam bộ, thường có cảnh gỡ khăn trên đầu, trên cổ ra mà quàng lên cổ của thân nhân, người thương. Một thời gian dài, giặc Mỹ và quân đội Sài Gòn thường ám ảnh bởi bóng dáng của những chiếc khăn rằn trong các bụi lùm, sông rạch Nam bộ…
Chiếc khăn rằn gợi thương gợi nhớ ấy, với nhiều cung bậc cách điệu, biến tấu, dài rộng khác nhau, màu sắc ô ca rô khác nhau, có khi thêm hoa văn như những chiếc khăn thổ cẩm, song hồn cốt vẫn là chiếc khăn làm tôn vẻ duyên dáng của người con gái Nam bộ trong trang phục bộ bà ba duyên dáng, hay bộ quân phục anh Giải phóng quân với chiếc mũ tai bèo mềm mại ở trên đầu. Dân sông nước trong buổi đầu Nam tiến, mở cõi, đã nghĩ ra rất nhiều công dụng cho chiếc khăn như lau mặt, lau mồ hôi, tắm rửa… Chiếc khăn còn dùng làm bọc gói áo quần, gạo cơm, trải làm chăn, chiếu, khăn bàn … Dùng làm vũ khí tự vệ: xiết cổ, trói cột, bọc một vật cứng ở một đầu, biến thành “roi, côn” để tự vệ với những thế võ đơn giản mà hiệu quả. Khăn quấn ngang người để… thay đồ trên ghe, thuyền. Vận làm khố, váy, xà-rông… thậm chí làm tấm… lọc tạp chất, bùn trong nước sinh hoạt. Nhà văn Đồ Bì tức nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn kể một câu chuyện vừa vui, vừa… sởn da gà như: có một ông lão người Khmer bán nước thốt nốt, chuyên vận cái xà- rông là một cái khăn K’rama màu cổ trầu, và có lần nhà văn chứng kiến ông lão lấy chính cái xà-rông ấy để làm vải lượt… nước thốt nốt. Từ đó về sau, nhà văn “cạch” luôn việc uống nước… thốt nốt của ông lão! Kể ra như thế, để thấy rằng sự tiện dụng, hữu ích của chiếc khăn rằn, giống với chiếc khăn K’rama của người Khmer trong cuộc sống của người dân miền sông nước Tây Nam bộ nói riêng và cả miền Nam nói chung…

Chiếc khăn rằn ngày nay lại càng thông dụng hơn với mọi người, trên sân khấu có thể làm đạo cụ cho các vũ công biểu diễn, trong túi xách tay, ba lô của dân “bụi”, “đi phượt” tiện lợi và hữu dụng…Và cũng sẽ là một món quà tình cảm đầy ý nghĩa cho con cháu tặng cha mẹ, ông bà. Cùng những đôi lứa yêu nhau “trói buộc” nhau bằng sự mềm mại, duyên dáng của chính chiếc khăn rằn. Song có lẽ là vinh dự tự hào lớn nhất khi chiếc khăn rằn đã được đưa vào bảo tàng lịch sử của dân tộc Việt Nam. 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives