Phát biểu chào mừng và tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh  

Posted by Unknown

Tại Hội thảo “Văn học, nghệ thuật trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp”


(DO HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, NGÀY 27 VÀ 28 THÁNG 11 NĂM 2013).


Đồng chí Nguyễn Văn Đua -
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Kính thưa các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, đại biểu tham dự, các đồng chí!
Vào tháng 7 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đây là dịp để Đảng bộ thành phố kiểm điểm đánh giá sâu sắc những thành tựu đạt được, những hạn chế yếu kém trên lĩnh vực văn hóa của thành phố, trong đó có hoạt động văn học, nghệ thuật và có đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương đề ra những định hướng phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Hôm nay, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo Khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học, nghệ thuật trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao - Thực trạng và giải pháp” với đề dẫn rất chiến đấu và sâu sắc mà Phó Giáo sư Đào Duy Quát đã trình bày và chủ đề như đồng chí Lê Khả Phiêu nhận xét là “thực sự bị cuốn hút vào cuộc Hội thảo này” với những phân tích, những gợi mở rất sâu sắc. Thành phố Hồ Chí Minh rất vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức hội thảo quan trọng, tạo điều kiện để có nhiều văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý, hoạt động lĩnh vực văn học, nghệ thuật thành phố có điều kiện tham dự, lĩnh hội các ý kiến nêu ra, có thêm cơ sở để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật vươn lên giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Chúng tôi tin rằng, Hội thảo sẽ có những đóng góp tích cực khẳng định thành tựu góp phần làm rõ hơn thực trạng, nguyên nhân của hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật của đất nước một cách đầy đủ, toàn diện trong 15 năm qua và có những đề xuất giải pháp để thúc đẩy hoạt động sáng tạo nhiều hơn nữa tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt các văn nghệ sĩ, các đồng chí - những người làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật của thành phố, tôi nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, trân trọng cám ơn lãnh đạo Hội đồng Lý luận! phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và xin gởi đến tất cả các đồng chí, các đại biểu lời chào mừng và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí, 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là 15 năm đẩy mạnh công cuộc đổi mới của Đảng đã tạo nên những biến đổi sâu sắc trong mọi mặt của đời sống xã hội. Quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” ngày càng thấm sâu trong nhận thức và chuyển tải thành hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà đồng thời rất mực chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa; chăm lo xây dựng con người.
Sự phát triển kinh tế - văn hóa, văn học - nghệ thuật của thành phố có xuất phát điểm thuận lợi của một đô thị đặc biệt; có một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo từ nhiều nguồn. Nhưng trước hết, có thuận lợi lớn nhất đó là truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo của một thành phố trẻ luôn khát khao vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn để đạt được những thành tựu mới, vì chất lượng cuộc sống cao hơn, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chúng tôi quán triệt trong các thành tố cấu thành của văn hóa thì “văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” như Nghị quyết 23 Bộ Chính trị đã khẳng định. Thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy văn học, nghệ thuật với mục đích vì con người, vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đã góp phần tích cực trong việc xây dựng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tinh thần này đã được phát huy trong tất cả các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật nhằm tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” tiếp tục là chỗ dựa, là hành trang cảm xúc sáng tạo của đông đảo văn nghệ sĩ và được văn nghệ sĩ thành phố đồng tình.
Kính thưa các đồng chí!
Để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần xây dựng nhân cách con người, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước; xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố, tác phẩm mang được hơi thở cuộc sống, phản ánh đa dạng sự phấn đấu vươn lên của các tầng lớp nhân dân và sự phát triển của thành phố, tái hiện quá khứ, truyền thống yêu nước, tinh thần xả thân vì độc lập tự do của dân tộc với sự chiêm nghiệm sâu sắc, tôn kính và tri ơn. Những thành tựu đó thể hiện rõ rệt nhất trong các loại hình như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc... Ban Thường vụ Thành ủy nhận thức rằng phải chăm lo xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, chủ thể sáng tạo văn học, nghệ thuật. Lực lượng văn nghệ sĩ của thành phố Hồ Chí Minh có thành phần đa dạng, hội tụ từ nhiều nguồn và ngày càng phát triển lớn mạnh. Bên cạnh các văn nghệ sĩ lão thành, văn nghệ sĩ đã tham gia kháng chiến vẫn bền bỉ sáng tác, các văn nghệ sĩ trưởng thành từ sau ngày giải phóng đang ở độ chín của tuổi nghề sáng tạo nghệ thuật, là một đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ trưởng thành trong 15 năm qua có tinh thần yêu nước, lòng yêu nghề, sức sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ; đồng thời cũng suy nghĩ cách tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ các văn nghệ sĩ ở nước ngoài trở về Thành phố hoạt động nghề nghiệp, nhiều nhất ở lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh - cùng góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để tập hợp và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, đoàn kết và thống nhất ý chí cùng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố, phát triển nền văn học, nghệ thuật, đẩy lùi những tác phẩm tiêu cực, những tư duy lạc điệu, Thành phố rất coi trọng vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật thành phố, 9 hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành. Phát huy vai trò của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng của Liên hiệp và các chi bộ trong các Hội chuyên ngành.
Ban Thường vụ Thành ủy định kỳ gặp gỡ văn nghệ sĩ, trực tiếp lắng nghe những tâm tư, những bức xúc chính đáng, những đề xuất, kiến nghị của văn nghệ sĩ, chỉ đạo các tổ
chức Đảng, hệ thống chính trị thành phố kịp thời điều chỉnh; đồng thời lắng nghe ý kiến, hiến kế của văn nghệ sĩ
vào những vấn đề chung, quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, ví dụ tổ chức nghe văn nghệ sĩ góp ý Đề án Chính quyền đô thị. Chúng tôi tin rằng văn nghệ sĩ thành hố cảm nhận được sự trân trọng, cầu thị của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và thấy rõ hơn trách nhiệm của văn nghệ sĩ với đất nước, với thành phố.
Chúng tôi hiểu rằng với tư cách là chủ thể sáng tạo văn học, nghệ thuật, một trong những yêu cầu quan trọng
nhất để văn nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, có tính nhân văn, tính xây dựng con người đó là văn nghệ sĩ cần được trải nghiệm thực tế để hun đúc khát vọng, tích lũy kinh nghiệm, vốn sống, cảm xúc sáng tạo từ thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Văn nghệ sĩ phải “tắm mình” trong thực tiễn phong phú, sinh động của đời sống xã hội, thấu hiểu cuộc sống, nghị lực luôn thầm lặng mà mãnh liệt của nhân dân để có được những cảm xúc thật, để tác phẩm đi vào lòng người. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, thành phố luôn quan tâm tạo điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế. Hầu hết các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành hàng năm đều tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác cho
hội viên với những hình thức tổ chức phong phú, sinh động như Hội Âm nhạc kết hợp thực tế sáng tác với tổ chức kết nạp hội viên mới và biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ ở Côn Đảo, ở Đền thờ liệt sĩ Bến Dược và khu di tích địa đạo Củ Chi, Cần Giờ; Hội Điện ảnh tổ chức đi thực tế sáng tác kết hợp giáo dục “Về nguồn” và giao lưu truyền thống với nhân dân địa phương ở Bến Tre, An Giang; Hội Mỹ thuật mỗi năm tổ chức
từ 5 đến 7 đợt thực tế sáng tác kết hợp tổ chức triển lãm mỹ thuật phục vụ công chúng các địa phương từ Đà Nẵng, Nha Trang trở vào đến Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng tích cực tổ chức hoạt động “Về nguồn” cho đông đảo văn nghệ sĩ tại Quảng Trị và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, vừa là tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế vừa nhằm tiếp tục khơi dậy lòng tự hào, nuôi dưỡng,thắp sáng ngọn lửa truyền thống cách mạng trong lòng mỗi văn nghệ sĩ. Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các sở ngành chức năng liên quan phối hợp, hỗ trợ các Hội đưa văn nghệ sĩ thâm nhập các công trình trọng điểm về giao thông, thoát nước, bảo vệ môi trường, các khu công nghiệp, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, các xã xây dựng nông thôn mới ở ngoại thành...
Đặc biệt năm 2012, Đoàn công tác Thành phố tại quần đảo Trường Sa đã mời một lực lượng đông đảo văn nghệ sĩ sáng tác của nhiều loại hình nhằm tạo điều kiện cho các anh chị thâm nhập đời sống biển đảo, trực tiếp cảm nhận sự hy sinh, tinh thần ngoan cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK. Chỉ hơn hai tháng sau chuyến đi, toàn bộ văn nghệ sĩ tham gia đều có tác phẩm, từ thơ, truyện, ký, giao hưởng, ca khúc, tranh mỹ thuật đến kịch bản sân khấu, kịch bản truyền thanh, bài ca vọng cổ... trong đó nhiều tác phẩm đã được công chúng tiếp nhận, đánh giá cao. Từ kết quả này, năm 2013 Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các Đoàn công tác của Thành phố đến Trường Sa trong hai năm tiếp theo sẽ tiếp tục cơ cấu lực lượng vănnghệ sĩ sáng tác tham gia với số lượng thích hợp.
Hàng năm, ngân sách thành phố dành một khoản để hỗ trợ đầu tư sáng tác (1) và thực hiện chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các văn nghệ sĩ cao tuổi tiêu biểu (2).
Yếu tố quan trọng tiếp theo để thúc đẩy sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao là vấn đề quảng bá những tácphẩm tốt như thế nào hay nói cách khác là làm thế nào để tác động đến nhu cầu và thị hiếu hưởng thụ văn học, nghệ thuật của công chúng. Trong cơ chế thị trường, việc không tránh khỏi là sự chi phối của thị trường đối với sản phẩm văn học, nghệ thuật thể hiện rất rõ. Điều nghịch lý là tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật thì khó có cơ hội đến được với công chúng. Ngược lại các tác phẩm chiều theo thị hiếu thấp, nặng tính giải trí thì dễ được đón nhận, dễ đem lại doanh thu cao. Do đó, việc các tác giả sáng tác tác phẩm một cách dễ dãi nhằm đạt được yếu tố thị trường, hoặc để gây tiếng vang, tạo ấn tượng một cách nhanh chóng bất chấp những tác động tiêu cực lên đời sống xã hội ngày càng có biểu hiện gia tăng, làm lấn át những tác phẩm tốt, làm nhiễu sự lựa chọn của công chúng. Mặt khác, đời sống công nghiệp và nếp sống đô thị với áp lực cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức hưởng thụ văn hóa, văn học, nghệ thuật của một bộ phận công chúng, đó là việc dễ dãi tiếp nhận tác phẩm nặng tính giải trí hơn là thưởng thức nghệ thuật tầm cao và có chiều sâu.
Để kéo giảm nghịch lý trên và cũng là để góp phần điều chỉnh sáng tác, điều chỉnh thị hiếu, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm tốt, thành phố cũng rất chú trọng đến hoạt động quảng bá tác phẩm. Thông qua nhiều “kênh” như truyền hình, phát thanh đẩy mạnh việc phát sóng giới thiệu các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, sân khấu có tính xây dựng và có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao; đẩy mạnh đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật công lập để các nhà hát tổ chức hoạt động xây dựng chương trình (3), từ đó nhiều tác phẩm nghệ thuật bậc cao như giao hưởng, vũ kịch hoặc những vở diễn sân khấu hát bội, cải lương, kịch nói quy mô được dàn dựng biểu diễn phục vụ công chúng; hỗ trợ các đơn vị ngoài công lập có tác phẩm tốt (4); tài trợ đột xuất cho những công trình, tác phẩm có giá trị cao (5)… Một số hoạt động quảng bá tác phẩm tốt đã tạo những gợi ý thiết thực để Thành Đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố suy nghĩ về vai trò tổ chức công chúng trẻ và công nhân, lao động hưởng ứng, ủng hộ, cổ vũ, thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Tất cả những nỗ lực đó, mặc dù một số mặt còn chưa đạt được như mong muốn, nhưng cũng đã góp phần tích cực vào việc xây dựng công chúng văn học, nghệ thuật, góp phần điều chỉnh thị hiếu thẩm mỹ và động viên các văn nghệ sĩ chân chính, tâm huyết.
Trong 15 năm qua, mặc dù còn có những mặt tồn tại yếu kém như trong một số loại hình còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; tính chuyên nghiệp trong các hoạt động văn học, nghệ thuật nhất là hoạt động quảng bá các tác phẩm tốt còn yếu; hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa đạt được yêu cầu; một số khuynh hướng sáng tác lệch lạc, nhất là tập trung khai thác mặt tiêu cực của đời sống xã hội và có biểu hiện xu hướng “thương mại hóa”, mang nặng tính giải trí, hạ thấp chức năng tư tưởng, thẩm mỹ có chiều hướng gia tăng; thiết chế văn hóa dành cho nghệ thuật chuyên nghiệp còn bất cập, chưa tương xứng ... nhưng có thể nói văn học, nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh là một trong những lĩnh vực có sự phát triển mạnh mẽ, sôi động, đạt được nhiều thành tựu. Một số lĩnh vực như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa có nhiều tác phẩm mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, nhiều tác phẩm âm nhạc có sức sống lâu bền trong lòng công chúng; tác phẩm kiến trúc của các kiến trúc sư thành phố cũng mang lại nhiều giải thưởng quốc tế, có giá trị sáng tạo nghệ thuật và giá trị ứng dụng cao.
Kính thưa các đồng chí!
Yếu tố con người với vai trò chủ thể văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và tạo nên một bộ mặt phát triển của thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Văn học, nghệ thuật của thành phố Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài “quỹ đạo” đó. Tập trung cho “con người sáng tạo văn học, nghệ thuật” và “con người hưởng thụ văn học, nghệ thuật” là điều kiện cần và đủ, là bước đi đúng đắn đểvăn học, nghệ thuật đóng góp đắc lực bồi đắp, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Bằng tính nhân văn sâu sắc, các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách lành mạnh, tiến bộ, tiếp tục khẳng định và ngày càng thể hiện các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng tốt đẹp của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là sức mạnh trong việc kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, tạo động lực tiếp tục xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thực tiễn về văn hóa, văn học, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cho thấy tập trung cho yếu tố con người là chìa khóa để mở ra mọi cánh cửa phát triển; mọi hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật khi chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc hay nói theo kiểu giản dị, dân dã của người dân Nam bộ là thấm đẫm nghĩa tình sẽ trở thành sức mạnh to lớn, nền tảng tinh thần vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Đua với NSND Đoàn Dũng, GS-NGND Trần Thanh Đạm, NSND Thế Anh

Nhân Hội thảo này, tôi xin đề xuất Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương quan tâm hai vấn đề sau:
Thứ nhất, trong báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương nghiên cứu ban hành nghị quyết mới về văn hóa với nội dung “Xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc Việt Nam tiên tiến, nhân văn” mà quan điểm chỉ đạo cốt lõi là xây dựng con người văn hóa để đảm bảo “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”; lấy văn hóa dân tộc làm nền tảng để xây dựng và phát triển đồng thời bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với giai đoạn phát triển mới trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Thứ hai, đối với văn học, nghệ thuật, Nghị quyết 23 Bộ Chính trị đã nhận định “Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác”. Để thúc đẩy hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật tác động tích cực đối với sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật cần hoàn thiện lý luận với các tiêu chí về giá trị của văn học, nghệ thuật phù hợp giai đoạn phát triển mới của đất nước; tiếp tục khẳng định về mặt lý luận đối với quan điểm sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn, yếu tố tích cực của những quan điểm sáng tác khác.
Một lần nữa xin kính chúc sức khỏe toàn thể đại biểu. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. 
--------------------------------------
(1) Trên 5 tỷ đồng mỗi năm.
(2) Chăm sóc sức khỏe thường xuyên; trợ cấp hàng tháng đối với các văn nghệ sĩ lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn 1.500.000 đồng/người.
(3) Hàng năm chi từ ngân sách thành phố cho 09 đơn vị nghệ thuật công lập từ 17 đến 20 tỷ đồng để tổ chức hoạt động dàn dựng chương trình nghệ thuật (không kể kinh phí thường xuyên).
(4) Thành phố hiện có trên 50 đơn vị tư nhân hoạt động sân khấu ca – múa – nhạc và sân khấu kịch; vở kịch “Điều ước thiêng liêng” của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần được hỗ trợ toàn bộ chi phí cho 20 suất diễn.
(5) Hỗ trợ hai tỷ đồng cho Hội Nhà văn thành phố và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, thực hiện công trình văn học, quy mô Một thế kỷ văn chương yêu nước, cách mạng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố xuất bản toàn bộ các tác phẩm đạt Giải thưởng Văn học, nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh 5 năm (lần 1 – năm 2012) với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; hỗ trợ 500 triệu đồng cho Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch thành phố (kết hợp Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam) dàn dựng vở múa “Mặt trời trong tim”...

 

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives