KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22-12-1944 - 22-12-2013)  

Posted by Unknown

Dựng tượng Thiếu tướng - Giáo sư - Viện trưởng Trần Đại Nghĩa tại Trường THPT Vĩnh Viễn

TRẦN HOÀNG - Ảnh: THIÊN KIỀU

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân (22-12-1944 - 22-12-2013), Trường Trung học phổ thông Vĩnh Viễn (Q. Tân Phú, TP.HCM) đã nhận bức tượng chân dung của Thiếu tướng - Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa về an vị tại trường. Tượng này do nhà điêu khắc Tô Sanh thực hiện vào năm 1992 bằng đá hoa cương nặng 200kg.
Thiếu tướng - Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật Phạm Quang Lễ (1913-1997), là một nhà khoa học lớn, cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Cha mẹ của Thiếu tướng - Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Khi ông 6 tuổi thì cha mất, được mẹ và chị gái nuôi dưỡng cho ăn học. Năm 1933, ông đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Tây. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền đi Hà Nội để học tiếp nên ông bỏ học đi làm giúp mẹ, giúp chị nhưng trong lòng vẫn nuôi dưỡng ý nghĩ sẽ tiếp tục học sau khi có tiền. Với ý chí quyết tâm phải đi học, ông đã cật lực làm việc để rồi năm 1935, ông được đi du học ở Pháp, tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris. Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.
Sách sử ghi, tháng 5-1946, dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp dự Hội nghị, ông cùng với kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước theo Hồ Chủ tịch về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi rừng Việt Bắc. Ngày 5-12 năm đó, Hồ Chí Minh đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa và trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam), năm 1948 phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự), Bộ Tổng tư lệnh Quân đội. Trong quân đội từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Sau đó ông chuyển sang lĩnh vực dân sự giữ chức: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983-1988), Đại biểu Quốc hội khóa II, III. Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động (tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952).
Ngày 6-3-1956, Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Nguyễn Văn Huyên ký Nghị định số 147/NĐ về việc thành lập Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa và ông được bổ nhiệm làm Giám đốc. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Các công trình nghiên cứu của ông được quốc tế đánh giá cao, được ứng dụng rộng rãi trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và là nỗi kinh hoàng của quân đội đối phương.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives