Nhà thơ Hồng Thanh Quang và “Nỗi buồn tốc ký”  

Posted by Unknown

P.N.THƯỜNG ĐOAN

Nhà thơ Hồng Thanh Quang
Tôi không còn nhớ rõ là ngày tháng nào đã nghe câu thơ “Người đàn bà giấu đêm vào tóc, em tìm gì khi thất vọng về tôi…” từ giọng hát của ca sĩ Lê Dung. Quá thích câu thơ lãng mạn và đầy cô độc này, tôi đi tìm hiểu thì mới hay nó nằm trong bài thơ “Khúc mùa thu” của nhà thơ Hồng Thanh Quang do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc.
Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa Sao thương ai ở mãi cung Hằng Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế Đâu chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em Người - đàn - bà - giấu - đêm - vào - trong - tóc, Còn điều chi em mải miết đi tìm? Tôi đã đến cùng em và tôi biết Em cũng là như mọi người thôi Nhưng chưa hết cuộc yêu tôi đã hiểu Em ám ảnh tôi trọn một kiếp người Ngay cả nếu âm thầm em hóa đá Bầu lặng yên cũng đã vỡ rồi Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp Khi thanh âm cũng bất lực như lời. Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy Mãi cô đơn vằng vặc giữa trời Người - đàn - bà - giấu - đêm - vào - trong - tóc, Em tìm gì khi thất vọng về tôi???
Bây giờ thì trên tay tôi là hai tập thơ dày cộm của nhà thơ Hồng Thanh Quang với tên gọi Nỗi buồn tốc ký vừa phát hành trong năm 2013. Ừ, Nỗi buồn tốc ký, cái tên rất hay và rất ấn tượng, nó thể hiện cái vội vã và cái sợ hãi của tác giả. Ở đời, người ta chỉ muốn nỗi buồn bay đi, nhạt đi, rồi mất đi, không ai muốn nỗi buồn ở lại với mình mãi mãi, nhưng Hồng Thanh Quang thì khác, hình như anh muốn giữ lại tất cả những điều không vui đã đến với mình, anh không muốn mất đi một nỗi buồn nào dù rất nhỏ.
Để có thời gian đọc hết hai tập thơ Nỗi buồn tốc ký 1 2 không phải là chuyện dễ dàng cho một người đọc bình thường. Bởi Nỗi buồn tốc ký 1 dày gần 400 trang, có 354 bài được lựa chọn từ 700 bài mà nhà thơ đã sáng tác trong một năm trở lại đây. Nỗi buồn tốc ký 2 còn dày dặn hơn, gồm 433 bài, viết trong thời gian 30 năm, bắt đầu từ bài thơ tình đầu tiên năm 1979.
Ngày anh vào Sài Gòn để thông báo với bạn bè về sự ra đời của hai tập thơ, về chương trình thơ - nhạc được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 7-11-2013, tôi đã kịp nhận ra hết cái sự say thơ nơi con người Hồng Thanh Quang, tôi biết rằng, thơ chính là cứu cánh của anh (cũng như của nhiều người) trước khi anh công nhận: “Thơ đã cứu tôi khỏi tuyệt vọng. Ngay từ khi còn bé, tôi đã có những cảm xúc bi quan về kiếp nhân sinh và vì có thơ nên tôi mới không có những hành động dại dột. Khi một bài thơ sinh ra là một lần ta thoát khỏi vòng tay đeo bám của những suy tư u ám... Dù thơ luôn dẫn tôi theo kiểu đường quang không đi chỉ đâm quàng bụi rậm, tôi vẫn quan niệm rằng, sinh ra ở đời là được chứ không bao giờ là mất, vì trong kiếp người, mất thực ra cũng là được... Tôi vẫn nghĩ, không có thơ thì tôi còn có gì nữa?! Cho nên dù có lận đận bao nhiêu với thơ thì cũng không phải tại thơ mà là tại cái số của mình như thế. Với lại, tôi đã quen với những sự lận đận và chênh vênh rồi nên nếu không sống như thế thì hẳn tôi sẽ cảm thấy tẻ nhạt lắm...”.
Nhìn cái kiểu đọc thơ say sưa của Hồng Thanh Quang giữa cái nắng oi oi Sài Gòn, tôi rất thú vị, vì đã khẳng định được con người này đã coi văn chương là lẽ sống, trước mắt tôi đúng là một người làm thơ, chứ không phải là một nhà báo với chức vụ Phó Tổng biên tập, càng không phải là một Đại tá An ninh Nhân dân, cũng không phải là kỹ sư vô tuyến điện quân sự tốt nghiệp tại Liên Xô. Không có sự nguyên tắc ở đây, không có sự thô cứng và buồn tẻ, càng không có sự nhạt nhẽo vô vị của những con chữ thời sự. Hồng Thanh Quang được cuộn bằng lớp sương mù lãng đãng dịu dàng, bằng những nỗi buồn giết người lúc nào không biết, bằng những câu thơ lãng mạn vô cùng ngọt ngào (Đừng khóc nữa, người đàn bà bé bỏng/Ta vẫn còn đang đứng trước nhau đây…/Cơn mưa tới như từ mùa đông cũ/… Bỗng nhói đau trong dự cảm mơ hồ /… Rồi sẽ cũ những vần kỷ niệm, ảnh em cười, tiếng hát em đau/… Đêm mất ngủ anh nằm nghe tiếng dế/Vọng từ đâu giao hưởng ban đầu…).

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives