Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông - những bằng chứng lịch sử  

Posted by Unknown

NGUYỄN VĂN TOÀN
(287 Chi Lăng, P. Phú Hiệp, TP. Huế)

Bài viết tập trung làm rõ những cơ sở chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời cổ đại đến cận đại. Đó là sự chiếm lĩnh của cư dân Việt đối với vùng Trường Giang trở về phía nam, kể cả vùng biển trước khi bị nhà Tần và nhà Nam Việt thôn tính; sự chiếm lĩnh của các dân tộc Việt Nam đối với Biển Đông thông qua các nền văn hóa biển, nền thương mại biển, các đội chiến thuyền tuần tra trên biển và tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bài viết cũng giới thiệu tầm nhìn của các quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam như Phù Nam, Champa, các chúa Nguyễn, Tây Sơn, vương triều nhà Nguyễn trong việc chiếm hữu, thiết lập chủ quyền và khai thác trên hai quần đảo này. Bên cạnh đó, một số chứng cứ tại các cuộc triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng được tác giả sử dụng, chẳng hạn như các bản đồ của các triều đại phong kiến nước ta, các bản đồ của các thương nhân phương Tây, và kể cả các bản đồ của Trung Quốc (nước tranh chấp chính với Việt Nam) cũng đã chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là một sự thực lịch sử không thể chối cãi.
Quần đảo Hoàng Sa (Paracel), với tên gọi “Baixos de Chapar ou de Pulls Scir”, tức là Bãi cát Chămpa (bãi đá ngầm), nằm trong Vịnh Cochinchine (Golfe de la Cochin Chine), phần phía đông bắc của bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean-Baptiste Nolin (1657-1708) vẽ xong năm 1687.
 Có một sự thật hiển nhiên đã được lịch sử chứng minh là: hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng lãnh hải xung quanh từ rất lâu đã thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Nhưng trên thực tế thì Trung Quốc và một số nước trong khu vực (1) đã chiếm giữ rất nhiều đảo và vùng lãnh hải xung quanh hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Vấn đề Biển Đông giờ đây đang “nóng” lên từng ngày, và thực sự đã trở thành một vấn đề cấp bách, liên quan đến vận mệnh và tương lai của quốc gia dân tộc (2).
VIỆT NAM - CHỦ NHÂN CỦA NỀN VĂN HÓA “BIỂN ĐÔNG”
So với thời hiện đại, khi Biển Đông bị nước ngoài âm mưu xâm chiếm thì vào thời cổ đại đến cận đại, Biển Đông yên lặng hơn rất nhiều với người chủ thực sự của nó là Việt Nam. Trước cả thời Hùng Vương, nhiều dân tộc sống trên đất nước ta hiện nay đã bao phen ngang dọc Biển Đông để mưu sinh. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội) - người tham gia nhiều cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học tại các di chỉ Cù Lao Chàm, văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo cho biết: “Thời Đông Sơn thể hiện rất rõ, cư dân Đông Sơn phải chiếm lĩnh được biển họ mới giao thương, trao đổi được các trống đồng. Người Sa Huỳnh, tiền Sa Huỳnh cũng thế, nếu không có thì sao có những sự giống nhau giữa Philippines với Việt Nam về đồ gốm, khuyên tai hai đầu thú và lối chôn cất” (3).
Về mặt khoa học, rất nhiều người trong chúng ta ngày nay thuộc chủng người có tổ tiên là người từ ngoài đảo của biển Đông di cư vào và nhiều tộc người khác cũng đã từ miền núi di cư xuống miền biển và sống dựa vào nền kinh tế biển (4). Về mặt huyền thoại thì Lạc Long Quân, sau khi dẫn các con về miền biển cũng đã trở thành vị thần tại vùng Biển Đông (5). Và Lạc Long Quân cùng Âu Cơ lại là cha mẹ của các vua Hùng Vương, là thủy tổ của dân tộc Việt.
Do đó mà suy ra Việt Nam với 54 dân tộc anh em đã chiếm lĩnh ngang dọc Biển Đông từ rất lâu. Bởi thế dân gian Việt Nam mới có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn” và có chuyện Dã Tràng vì mất vợ do chuyến đi đến Thủy Cung mà xe cát Biển Đông, chuyện “Nước biển tại sao mặn?”. Hình ảnh vợ chồng là chuyện khởi nguyên của âm dương và chuyện con còng, con cua, hạt muối là chuyện dân dã, tầm thường hằng ngày nhưng đã ăn sâu với người Việt bao đời nay với cái tên Biển Đông gắn liền thì việc ai là chủ nhân Biển Đông từ xa xưa đến nay có phải đã rõ mười mươi rồi không?
Trong khi đó, văn hóa Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoàng Hà (phía Bắc châu Á), hoàn toàn không có ý niệm Biển Đông gắn liền trong văn hóa từ khởi nguyên. Sau này người Hán xâm lược Bách Việt (6), bành trướng xuống phía Nam, mới giáp ranh một phần rất nhỏ Biển Đông, nhưng các khu vực đó cũng thuộc vùng “biên viễn”, dân cư thưa thớt, chủ yếu là các sắc dân bản địa Bách Việt còn sót lại và ít có người Hán lui tới (7). Như vậy, Trung Quốc không bao giờ có thể bàn luận với Việt Nam về vấn đề văn hóa khởi nguyên lẫn cương vực lãnh thổ ban đầu đối với Biển Đông. Bởi một lý do rõ ràng là Trung Quốc không phải là chủ nhân văn hóa phần lãnh thổ sông Trường Giang xuống phía Nam và vùng giáp ranh Biển Đông mà chủ nhân thực sự của vùng văn hóa này là Bách Việt, và Việt Nam lại là mộthậu duệ chính thống, một người thừa kế xứng đáng, một người chủ thực sự (8).
Bản đồ của nhà xuất bản Covens and Mortier tại Amsterdam vào 
1760 có ghi chú quần đảo Paracel bên cạnh bờ biển xứ Đàng Trong.
SỰ CÓ MẶT CỦA NGƯỜI VIỆT NAM Ở TRƯỜNG SA VÀO THỜI CỔ ĐẠI
Ở trên lãnh thổ Việt Nam vào thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công Nguyên đã từng tồn tại vương quốc cổ đại Phù Nam, một cường quốc thương mại biển ở Đông Nam Á, khống chế “con đường hương liệu” khu vực bằng sức mạnh quân sự. Vương quốc này còn gắn liền với nền Văn hóa Óc Eo (An Giang, Việt Nam) với những cảng biển trên Biển Đông vô cùng ấn tượng như cảng biển Óc Eo (An Giang), cảng Nền Chùa (Kiên Giang) cùng các thương điếm từ Óc Eo qua Đá Nổi đến Phú Long (Sa Đéc), Gò Thành (Vĩnh Long)… Các chiến thuyền của Phù Nam cũng đã Nam chinh, Tây phạt và bắt hơn 10 vương quốc thần phục làm chư hầu, phải cống nạp thuế hàng năm dưới sự bảo hộ của vua Phù Nam. Từ địa bàn chính là đồng bằng sông Cửu Long, sau khi chinh phạt thu phục 10 nước chư hầu, Vương quốc Phù Nam kiểm soát một vùng rộng lớn từ Nha Trang đến thung lũng Mê Nam, gồm một phần đảo Mã Lai và vùng ven vịnh Thái Lan và cả Chân Lạp (Khơme cổ hay Campuchia ngày nay). Từ giữa thế kỷ III - IV, Phù Namchinh phục quân sự vùng Bắc bán đảo Mã Lai nhằm đảm bảo kiểm soát giao thương trên biển Đông - Ấn Độ Dương.
Bên cạnh đó, những đội thương thuyền đã góp phần rất lớn trong việc nắm ưu thế vận chuyển hàng hóa trên biển Đông của vương quốc Phù Nam. Tập ký sự “Chuyện lạ ở phương Nam” của hai sứ thần Trung Hoa là Chu Ứng và Khang Thái đã mô tả những con tàu Phù Nam đủ lớn để chở 600-700 người với 40-50 mái chèo. Tàu dài 20 bộ (48m), nổi cao lên mặt nước khoảng 3 bộ, có 4 cột buồm với các cánh buồm nằm nghiêng rộng khoảng 10 bộ. Nhờ có những chiếc thương thuyền với trọng tải và thiết kế vững chãi như thế, các chuyến tàu của Phù Nam đủ sức vượt biển giao thương với các cảng quế ở Hội An, Hải Phòng, rồi đợi đến mùa gió Đông Bắc lại đến các quần đảo gia vị trong biển Celebes, Moluccas và Bandas (thuộc Indonesia ngày nay) và sau đó quay trở lại quần đảo Trường Sa. Tại đây các sản vật, nhất là hương liệu và gia vị được đưa lên tàu hàng xuất khẩu đến Trung Hoa, Nhật Bản (9). Quần đảo Trường Sa, với tư cách là trạm trung chuyển trên con đường thương mại biển của Phù Nam với Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã trở thành địa điểm có mặt thường xuyên của các thương nhân và binh lính người Môn - Khơme (dân tộc chủ thể quốc gia Phù Nam và sau này các dân tộc sinh sống tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam).
Bên cạnh đó, vào năm 1993, 1994 và 1999, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã cử các nhà khảo cổ đi nghiên cứu quần đảo Trường Sa. Kết quả khai quật 50 mét vuông tại đảo Trường Sa Lớn đã thu được khá nhiều hiện vật. Đáng lưu ý là có nhiều mảnh gốm thô mang đặc trưng gốm của văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa tồn tại từ 1000 TCN đến cuối thế kỷ II SCN (8). Như vậy, không chỉ vương quốc Phù Nam đã biến quần đảo Trường Sa thành một địa điểm trung chuyển thương mại mà cư dân Sa Huỳnh, tiền thân của vương quốc Champa của người Chăm, một dân tộc máu thịt hiện nay của đất nước ta cũng đã có mặt tại quần đảo này từ sớm.
Sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng liên quan đến Đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi.
TẦM NHÌN CỦA CÁC TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN ĐỐI VỚI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
Sau các thương thuyền của vương quốc Phù Nam vào thời cổ đại, vào thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, cứ vào tháng 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải (hoạt động khu vực phía Nam đến tận biển Hà Tiên) lại xuất hành gồm 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa thu nhặt hóa vật của tàu bị nạn, tìm kiếm hải vật và ở lại đây đến tháng 8 mới trở về nộp cho triều đình Phú Xuân. Thậm chí, vào ngày 15 tháng giêng năm 1776, Cai hợp phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) là Hà Liễu đã làm đơn trình bày rõ xin lập lại hai đội Trường Sa và Quế Hương để “ứng chiến” với kẻ xâm phạm: “Bây giờ chúng tôi lập hai đội Trường Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, Cù Lao ngoài biển tìm nhặt vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu xin dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo, xảy chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi xin tờ sai ra tìm báu vật cũng thuế quan đem phụng nạp” (9).
Theo TS. Nguyễn Nhã, trước khi lên ngôi hoàng đế 1802, Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) cũng đã nhờ anh em Dayot giúp đo đạc hải trình ở Biển Đông trong đó có vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Khi lên ngôi, tháng 7 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn. Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ, q. 12 viết: “Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Đến năm 1816, sau một loạt chuyến thăm dò Hoàng Sa, vua Gia Long đã “long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong” (theo cách viết của giám mục Taberd). Chaigneau, một cận thần của vua Gia Long đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochinchine” rằng: “Đến năm1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”. Sau đó, cùng với đội Hoàng Sa, vua Gia Long đã “thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam”. Đến năm 1816, bằng những tính toán cẩn thận, Nhà Nguyễn đã chính thức tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa. Nối tiếp ý chí của vua Gia Long, các vị vua sau như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức càng đẩy mạnh hoạt động của binh lính người Việt trên vùng Biển Đông. Thủy quân triều Nguyễn hàng năm liên tục đã thành lệ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc và các hoạt động khác trên quần đảo này.
Đến nay, chúng ta vẫn có thể thấy được điều này qua Bản tấu trình của Bộ Công vềviệc đi khảo sát đo đạc ở Hoàng Sa trong châu bản Triều Nguyễn, ngày 2-4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838); tư liệu Quan Bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi là Đặng Đức Thiệm tấu trình xin trừ các hạng thuế trên thuyền đi phục vụ các công vụ ở Hoàng Sa trong châu bản Triều Nguyễn ngày 19-7 năm Minh Mạng thứ 19; Sắc chỉ triều Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 15 - 1834) liên quan đến đội Hoàng Sa của tộc họ Đặng ở xã An Hải (Lý Sơn - Quảng Ngãi) được lưu giữ hơn 170 năm qua hay hình ảnh cửu đỉnh của Triều Nguyễn có khắc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, sách giáo khoa “Khởi đồng thuyết ước” dùng trong các trường học thời Tự Đức thể hiện bằng hình vẽ và ghi chú đầy đủ về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam được xem là tư liệu có một giá trị chứng minh mạnh mẽ về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hai tờ Châu bản có bút tích Ngự phê của vua Bảo Đại nhà Nguyễn (trị vì từ năm 1926 đến năm 1945) viết trên giấy cỡ 21,5 x 31cm với nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công trong việc gìn giữ quần đảo Hoàng Sa của nhà nghiên cứu Phan Thuận An lưu giữ và một tờ văn bản được lập năm Quý Hợi 1743 (cách đây hơn 250 năm) của làng Mỹ Lợi, được viết trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn - nay là làng Mỹ Lợi và phường An Bằng - nay là làng An Bằng về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa (10)... Có thể nói, những tư liệu lịch sử này đã thể hiện và chứng minh một cách khoa học về chủ quyền và việc thực thi chủ quyền không thể chối cãi được của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Mặt khác, những tư liệu, bản đồ của các nước phương Tây và do Trung Quốc công bố từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX cũng thể hiện sự nhất quán, liên tục, có giá trị khoa học, thuyết phục, chứng minh một sự thật lịch sử rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đặc biệt, nhóm bản đồ do Trung Quốc công bố ở nhiều lĩnh vực hành chính, khai thác dầu mỏ, giao thông vận tải... đều dừng lại ở địa phận đảo Hải Nam, tuyệt đối không có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Chẳng hạn, 4 tập atlas Trung Quốc địa đồ Trung Quốc bưu chính dư đồ do Trung Quốc phát hành vào các năm 1908, 1919 và 1933 chứng minh biên giới cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến quần đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa, Trường Sa (11). Điều này góp thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa là một sự thật hết sức hiển nhiên.
Huế, ngày 29-11-2013
___________________________________
(1) Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp vào thời hiện đại. Một phần lớn quần đảo Trường Sa thì bị các nước như Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei… chiếm đóng khi người Pháp, người Mỹ rút khỏi Việt Nam và cả khi Việt Nam bị Mỹ cấm vận, phải đương đầu với những cuộc chiến tranh biên giới. Trong khi đó thì hai quần đảo này đã được Việt Nam đánh dấu chủ quyền từ rất sớm, vào thời phong kiến.
(2) Xem thêm: Nguyễn Văn Toàn, Biển Đông: Nhìn lại sự leo thang của Trung Quốc (23-1-2013), mục Đường lưỡi bò phi lý, báo Đại Đoàn Kết.
( 3) Xem Văn hóa biển: Nhiều điều chưa khám phá, Tuổi Trẻ, ngày 19-5-2012.
( 4) Các nền văn hóa biển nổi tiếng thời tiền sử - sơ sử tại Việt Nam là: Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Hạ Long, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Óc Eo…
(5) Theo Lĩnh Nam chích quái, Lạc Long Quân là người có công diệt ngư tinh vùng Biển Đông. Lạc Long Quân cũng từng về sống tại thủy phủ dù ông là vua của vùng Lĩnh Nam. Nhưng khi nghe nhân dân Lĩnh Nam bị Đế Lai xâm lược và áp bức, Lạc Long Quân đã trở về và đánh đuổi được Đế Lai cũng như bắt được cả Âu Cơ, con gái Đế Lai về làm vợ.
(6) Bách Việt có nghĩa là “một trăm nước Việt”. Đây chính là chủ nhân của nền văn hóa vùng Trường Giang xuống phía nam trước khi bị nhà Tần thôn tính (chỉ có nước Văn Lang, Tây Âu là thoát khỏi, nhưng đã bị Triệu Đà nước Nam Việt thôn tính sau đó, trải qua ngàn năm Bắc thuộc nhưng vẫn giữ được bản sắc khi giành được độc lập).
(7) Vùng này hiện nay có khu tự trị Choang, Quảng Tây. Người Việt ở đây vẫn giữ được sắc thái riêng như tục ăn trầu.
(8) Không chỉ thế, Việt Nam còn là hậu nhân văn hóa của vùng lãnh thổ phía nam Trường Giang trở về nam (hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây bấy giờ). Thời Quang Trung, vua đã đòi hai tỉnh này từ vua Càn Long nhà Thanh và được đồng ý. Song cái chết đột ngột của vua Quang Trung và sự tan rã nhanh chóng của nhà Tây Sơn trước thế lực Nguyễn Ánh đã làm việc này không được trở thành hiện thực. Có ý kiến cho rằng vua Càn Long đã ban áo tẩm thuốc độc cho vua Quang Trung để mưu đồ sát hại một mối lo lớn của nhà Thanh.
(9) Xem: Bảo tàng lịch sử Quốc gia (baotanglichsu.vn), Phù Nam: Quốc gia cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á, Kỳ 1: Sự hình thành và phát triển cực thịnh (27-9-2012).
(10) PGS.TS. Trịnh Sinh, Người Việt khai thác và làm chủ Biển Đông từ thời cổ đại, báo Biên Phòng, 16-8-2012.
(11) Xem: Hoạt động biển đảo dưới thời Tây Sơn, báo Petrotimes, ngày 12-11-2013.
(12&13) Tư liệu triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử, khai mạc ở Huế vào tháng 9-2013.

0 comments

Post a Comment

Powered by Blogger.

Archives